Những vấn đề xoay quanh chính sách xây dựng nhà ở xã hội
Phát biểu tại buổi kiểm tra nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp, chỉ trong
Đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong buổi kiểm tra nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), sáng 14-1. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Theo báo cáo của tổng công ty Viglacera, Khu đô thị Đặng Xá có quy hoạch tổng thể diện tích 68,67 ha. Trong đó, đất ở chiếm 17,3 ha; đất xây dựng nhà ở xã hội chiếm 13 ha; đất xây dựng công cộng đơn vị ở và văn phòng 4,68ha; đất cường 8,04ha; đất cây xanh bãi đỗ xe, đất giao thông 25,55ha. Khu đô thị Đặng Xá tọa lạc ở phía đông bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố 12 km, là khu đô thị đầu tiên trên địa bàn huyện Gia Lâm phát triển dọc theo quốc lộ 5 thuộc địa phận các xã Cổ Bi- Trâu Quỳ- Đặng Xá-Phú Thị. Với tổng số 13 ha quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, chiếm 43% quỹ đất của đơn vị tại khu đô thị, dự kiến đầu tư xây dựng hơn 4.000 căn hộ, đến nay Tổng công ty Viglacera đã thực hiện xong 2.100 căn hộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kiểm tra nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá
Năm 2010, Tổng công ty Viglacera là đơn vị đầu tiên của ngành đã chủ động đề xuất với thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc quỹ đất 20% dự án khu đô thị mới Đặng Xá. Tháng 7-2010, dự án đã được khởi công xây dựng với 4 tòa chung cư 12 tầng, 1.000 căn hộ, giá bán 10,3 triệu đồng/m2 ( đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì 2%). Hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng bắt đầu từ quý III năm 2011 đến tháng 7-2012 và được cư dân đánh giá cao về tính an sinh xã hội của dự án.
Tháng 9-2013, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục cho phép Tổng công ty sử dụng quỹ đất 20% dự án khu đô thị Đặng Xá 2 (diện tích 3,7 ha) để đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ngay sau khi được giao, tổng công ty đã triển khai thi công xây dựng khối nhà 6 tầng với 1.100 căn hộ; mỗi căn hộ có diện tích dao động từ 35,8 m2 đến 69,5 m2, giá bán dưới 8,7 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì 2%). Sau hơn 4 tháng xây dựng, Tổng công ty đang tiến hành bàn giao các căn hộ cho người mua. Dự án cũng sẽ dành 100 căn hộ cho thuê, thuê mua.
Các cư dân về sống tại dự án nhà ở xã hội ngoài căn hộ ở còn được hưởng đầy đủ các tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và được đầu tư đồng bộ như khu thể thao, công viên cây xanh, bãi đỗ xe, bể bơi, siêu thị dịch vụ, nhà trẻ, các tuyến xe buýt nằm trong khu đô thị được kết nối với trung tâm thành phố, tạo ra môi trường ở xanh, sạch, đẹp, không gian văn hóa mang tính cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, tái tạo sức lao động.
Năm 2014, Tổng công ty Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư triển khai xây dựng trên 2.000 căn hộ nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá 2 tại 5 lô đất NO1, NO2, NO3, NO3, NO6, với các căn hộ có diện tích 50-70 m2 đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng xã hội có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2014.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ đã có chiến lược về nhà ở và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển đô thị, lĩnh vực nhà ở và phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng đòi hòi của thực tiễn… Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội là rất lớn. Vì vậy, để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong đó rất cần sự phối hợp của thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi kiểm tra nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp, chỉ trong một thời gian đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Với cách làm như hiện nay, mục tiêu mà đại hội đảng bộ thành phố đặt ra là đến cuối nhiệm kỳ xây dựng được 15.000 căn sẽ hoàn thành.
Bí thư Thành ủy cho rằng, nhà ở xã hội đã và đang là vấn đề lớn, cấp thiết. Có thể nói, nhà ở là vấn đề đại sự đối với từng gia đình, cũng là việc đại sự của thành phố và cả nước. Việc xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu rộng rãi của một bộ phận to lớn người dân. Đây là một sự lựa chọn đúng, tránh cách làm manh mún, bảo đảm công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và người lao động.
Theo Bí thư Thành ủy, việc xây dựng nhà ở xã hội trong thời điểm kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng được coi là giải pháp mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên. Thực tế cho thấy, trong khi bất động sản đang tồn kho thì nhà ở xã hội vẫn đắt hàng. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc xây dựng nhà ở xã hội là một chính sách đúng và đang đi vào cuộc sống, bởi vậy cần quyết tâm đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý, đề nghị cách làm cần bài bản, rà soát kỹ xem tổng nhu cầu về nhà tại nội thành là bao nhiêu. Trên cơ sở đó xác định quỹ đất để triển khai. Song, cần tránh chỗ nào cũng cấy phép xây dựng nhà ở xã hội. Để tránh cấp phép tràn lan cần lựa chọn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, đủ năng lực và uy tín.
Theo Bí thư Thành ủy, trong quá trình xét duyệt đối tượng mua nhà phải rất chú trọng, rà soát kỹ lưỡng để xác định đúng đối tượng thật sự có nhu cầu, bảo đảm công bằng xã hội, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để đầu cơ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng, chặt chẽ, khoa học hơn nữa về quyền lợi và nghĩa vụ của người mua, vì đây là quỹ nhà ở mà thành phố có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách của nhà nước mưu lợi riêng. Về thủ tục, chính sách, liên quan tới cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy cho rằng, không chỉ ở thành phố mà cả ở cấp bộ, nếu có thủ tục nào vì nó mà chậm, cản trở tiến độ thì cần phải bỏ. Sáng kiến thành lập tổ công tác liên cơ, liên ngành chỉ là bước đầu tại các dự án trọng điểm, về sau cần tiến tới quy trình thủ tục thông thoáng, thuận tiện.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Hiền ở phòng 309 nhà A3 D1; gia đình anh Đinh Văn Trung (ở căn hộ 229 khu nhà D7) là gia đình vừa dọn đến ở khu nhà xã hội giai đoạn 2.
Leave a Reply